Kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu phát thải giúp giải quyết bài toán chuyển đổi chuỗi thủy sản, hướng đến bền vững, theo GS. TS Vũ Ngọc Út.
Sáng 20/12, phiên thảo luận trước thềm chủ đề “Chuyển đổi chuỗi thủy sản ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp” diễn ra tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp. Chương trình thuộc khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup 2022, kéo dài trong hai ngày 19, 20/12.
Trong phiên thảo luận về các thách thức, cơ hội khi ứng dụng đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại, tích cực, bền vững, Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Ngọc Út, Trưởng khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho biết việc hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp là thách thức to lớn. Bên cạnh tăng năng suất, sản lượng trong nuôi trồng thủy sản, mục tiêu đảm bảo tránh phát thải, gây ảnh hưởng môi trường cũng quan trọng và khó khăn không kém.
Hướng đề xuất của Giáo sư là ứng dụng mô hình 4R (Recirculation – Reuse – Recycle – Reduce) tương ứng với “tuần hoàn – tái sử dụng – tái chế – giảm thiểu” vào quá trình nuôi thâm canh để giúp giảm phát thải hiệu quả. Đồng thời, ông cũng khuyến nghị có thể đưa công nghệ vào công tác quản lý, đánh giá, kiểm soát chất lượng để tiết kiệm nhân lực, chi phí, gia tăng hiệu suất.
Giảm phát thải – nói dễ, làm mới khó
Đi vào tình hình chi tiết của từng địa phương, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Cà Mau cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 6.000 ha thâm canh thủy sản. Thế mạnh của tỉnh là tôm giống với sản lượng trên 200.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, chiếm 1/3 cả nước. Tuy nhiên quá trình thâm canh cũng tồn đọng không ít vấn đề.
Ông Bằng nhận định giảm phát thải là vấn đề “đưa ra dễ nhưng khắc phục khó”. Yếu tố môi trường trong ngành thủy sản chung và nuôi tôm nói riêng hiện gánh nhiều áp lực bởi hầu hết các hoạt động nuôi trồng đều phát thải. Thách thức thứ hai vị Giám đốc đề cập là công nghệ – một trong những yếu tố góp phần giải quyết vấn đề môi trường. Ngoài ra cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức của người dân về giảm phát thải môi trường và kiến thức công nghệ cũng là vấn đề cấp bách.
Về phía tỉnh Trà Vinh, ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết địa bàn có lợi thế nuôi trồng sinh thái khi sở hữu cả ba môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Tỉnh năm qua đã có kế hoạch phát triển ngành nuôi tôm đến năm 2030. Đến nay, Trà Vinh có nhiều nghiên cứu hỗ trợ khắc phục vấn đề, chế tài để người dân nuôi tôm theo khuôn khổ, tránh phát thải ra môi trường.
Qua các đề xuất, nhận định về tình trạng, bối cảnh nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh lân cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho rằng sản xuất nuôi trồng thủy sản dù theo phương thức cũ hay mới đều có phát thải. Mục tiêu đặt ra hiện tại là hạn chế, giảm mức phát thải này đến mức tối thiểu. Vị Phó chủ tịch đề cập phương án tuần hoàn là một trong những giải pháp tỉnh Sóc Trăng áp dụng để giải quyết các vấn đề trên.
Trên phương diện công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhiều đơn vị khởi nghiệp trên địa bàn ĐBSCL nêu ý kiến đồng tình, ủng hộ mô hình nuôi trồng và phát triển kinh tế tuần hoàn. Các đại diện doanh nghiệp NFC, Đồng Tháp Aqua… cho biết mô hình mới này không chỉ giúp biến phụ – phế phẩm thành “chính phẩm” và khai phá lợi nhuận từ những chất có thể gây tác động tiêu cực nếu thải ra môi trường.
Ở khía cạnh logistics, ông Đặng Anh Diệp – Phó giám đốc chi nhánh ĐBSCL Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Đơn vị quản lý Cảng Cái Cui, Cần Thơ) cho biết chi phí và mô hình logistics là vấn đề cần quan tâm, chú trọng để giảm phát thải. Logistics xanh bao gồm cả giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng trong quá trình vận chuyển.
“Đường bộ là một trong những đường có chi phí và lượng phát khí thải cao. Chúng tôi triển khai chính sách chuyển đổi từ đường bộ sang đường thủy để hạn chế các tác động lên môi trường; kéo giảm chi phí logistics bằng cách đưa các tàu container có tải trọng lớn đến các cảng lớn hơn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản. Đơn vị cũng kỳ vọng các doanh nghiệp có thể cân nhắc ủng hộ hệ thống logistics đường thủy để kéo giảm chi phí hiệu quả hơn trong tương lai”, ông Diệp chia sẻ.
Nhận diện vấn đề giúp kích hoạt đổi mới sáng tạo
Khép lại phiên tham luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết các đại biểu, diễn giả đều nhận diện chính xác, rõ ràng các lợi thế, thách thức từng địa phương nói riêng và toàn ĐBSCL nói chung. Đồng thời, các bên đã đề ra nhiều giải pháp ngắn lẫn dài hạn cho các vấn đề này.
“Mỗi địa phương sau thảo luận hầu như đã có định hướng khá rõ, nắm được nhiệm vụ nào dành cho người dân, nhiệm vụ nào các cấp lãnh đạo cần chịu trách nhiệm… Tổng kết hội nghị, sau 4 bài tham luận, cơ hội – nhận thức – tiềm năng đều được nêu chi tiết, rõ ràng. Ngoài ra những bài phát biểu khác cũng tập trung vào đề xuất nhóm giải pháp về công nghệ, sáng tạo, ứng dụng các sản phẩm mới mang giá trị kinh tế cao song song với giải quyết vấn đề công nghệ”, vị Phó Chủ tịch nhận định.
Bên cạnh các vấn đề cần giải quyết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cũng kiến nghị trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất thực tiễn, thông qua việc tháo gỡ khó khăn trong cơ chế chính sách.
Cụ thể, ông Sở đề nghị các cơ chế chính sách chưa được hướng dẫn, thiếu rõ ràng cần được quán triệt kỹ lưỡng và đơn giản hóa để người dân, doanh nghiệp nắm được hướng triển khai. Kiến nghị thứ hai là cho phép các địa phương triển khai thí điểm dự án chính sách mới theo ý tưởng, suy nghĩ. Chính sách này giúp kịp thời hỗ trợ cho người dân. Nếu phù hợp, địa phương có thể kiến nghị thành chính sách.