Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Cần Thơ cần tăng cường cập nhật thông tin dịch bệnh thủy sản trên hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS)
Ngày 30/6, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có chuyến kiểm tra tình hình thực tế phòng chống dịch bệnh thủy sản tại vùng nuôi cá tra của Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam và hộ nuôi trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ, toàn thành phố hiện thả nuôi trên 520 ha cá tra, với sản lượng hơn 67.500 tấn/năm. Sản lượng cá tra giống tập trung chủ yếu từ tháng 3 – 6, cung cấp cho sản xuất trên địa bàn thành phố và một phần nhỏ xuất ngoại tỉnh. Ngoài ra, cá tra giống còn được nhập từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp,… phục vụ nuôi thương phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 40 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh con giống thủy sản được cấp giấy đủ điều kiện hoạt động. Chi cục đã thực hiện kiểm dịch con giống động vật thủy sản xuất tỉnh chủ yếu đến các địa phương trong vùng.
Để tăng cường phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thủy sản thành phố thường xuyên thực hiện công tác quan trắc môi trường nuôi. Từ đó, các thông tin biến động diện tích nuôi, dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch con giống… được quản lý chặt chẽ. Đơn vị cũng thực hiện công tác thanh tra định kỳ và đột xuất để tìm ra nguyên nhân, định hướng xử lý khi có dịch bệnh thủy sản xảy ra bất thường trên địa bàn.
Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (South Vina) là một trong những nhà máy chế biến cá tra fillet xuất khẩu lớn của TP. Cần Thơ. Doanh nghiệp này đã xây dựng 15 vùng nuôi lớn trải đều ở các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL. Tại TP. Cần Thơ, vùng nuôi của doanh nghiệp đặt tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, với khả năng cung cấp 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm.
Theo một đại diện kỹ thuật của Công ty, thời gian qua dịch bệnh gan thận mủ được phát hiện phổ biến trên ao nuôi. Nhờ nuôi mật độ thưa, quản lý chặt chẽ nguồn nước đầu vào, đi kèm việc sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học đã giúp doanh nghiệp quản lý tốt dịch bệnh trên ao nuôi. Nhờ đó tỷ lệ hao hụt trong các vụ nuôi chỉ khoảng 20%.
Giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi 6 tháng đầu năm 2023, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ – ông Nguyễn Quốc Vinh, cho biết, dịch bệnh trên thủy sản chỉ xảy ra nhỏ lẻ tại hộ nuôi, chưa gây thiệt hại nhiều. Hơn nữa, các hộ nuôi có thể chủ động xử lý, không để dịch bệnh lây lan ra bên ngoài. Đến nay, đơn vị đã thu 17 mẫu cá tra giống xét nghiệm, giám sát tác nhân gây bệnh gan thận mủ. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu âm tính với tác nhân gây bệnh.
Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố sẽ phối hợp Khoa Bệnh học Thủy sản, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh thủy sản đến người nuôi trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên cá tra, cá rô phi và tôm giống nước lợ vào các thời điểm dễ xuất hiện mầm bệnh. Qua đó giúp người nuôi kịp thời phát hiện và xử lý theo phác đồ điều trị để giảm thiểu hao hụt, tránh lây lan. Việc lấy mẫu bệnh phẩm đột xuất cũng sẽ được thực hiện khi có dịch bệnh xảy ra tại ao nuôi. Riêng đối với cá tra, trường hợp có kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh, ngành chức năng đề nghị làm kháng sinh đồ, xác định phác đồ điều trị để hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở xử lý.
Qua làm việc, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y đề nghị TP. Cần Thơ cập nhật thông tin dịch bệnh nói chung, dịch bệnh thủy sản nói riêng kịp thời qua Hệ thống VAHIS. Bởi hệ thống có nhiều công cụ hỗ trợ phân tích các số liệu dịch tễ. Từ đó, ngành chức năng dễ dàng nhận biết được xu hướng dịch bệnh. Từ đó đưa ra những dự báo kịp thời cho địa phương, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh cho người nuôi.