Kinh nghiệm điều khiển tàu đi trong luồng thủy hẹp

Điều khiển tàu thuyền đi ven biển hoặc trong luồng thủy hẹp thường dễ xảy ra (mắc cạn, đâm va,..). Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con tàu, đòi hỏi người thuyền trưởng không chỉ vững vàng về nghiệp vụ hàng hải, mà còn phải thường xuyên được rèn luyện để tích lũy kinh nghiệm đi biển. Bài viết trao đổi một số kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn quá trình điều khiển tàu đi ven biển và trong luồng thủy hẹp cũng như từ kết quả nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn hàng hải trong thời gian qua.

Tàu thuyền khi hoạt động trên sông, biển phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: địa hình, luồng lạch, sóng gió, thủy triều, dòng chảy… Để hoàn thành thắng lợi mỗi chuyến đi biển, chỉ huy tàu và ngành hàng hải phải nghiên cứu, quán triệt đầy đủ nhiệm vụ cấp trên giao, đặc điểm vùng biển tàu hoạt động (địa hình, thời tiết, tình hình hàng hải, các khu vực cấm, đối sách trên biển, luật biển quốc tế…). Đồng thời khi lập kế hoạch đi biển và tổ chức thực hiện phải nắm vững nguyên tắc “an toàn, kinh tế trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ”.

Những năm qua, số lượng tàu thuyền của quân chủng hoạt động dài ngày trên biển tăng nhanh trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổ khí hậu…song các đơn vị đã bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tất cả các nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác BĐAT cho tàu thuyền của một số đơn vị chưa thực sự vững chắc, còn xảy ra một số vụ tai nạn hàng hải (mắc cạn, đâm va…) gây thiệt hại lớn về kinh tế. Có nhiều nguyên nhân xảy ra mất an toàn nhưng chủ yếu là do thời tiết xấu, địa hình phức tạp và kinh nghiệm đi biển còn ít..



Để khắc phục những hạn chế trên, đảm bảo an toàn tàu thuyền khi hoạt động ven bờ và trong luồng thủy hẹp, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm:

Điều khiển tàu đi ven biển: Điều khiển tàu đi ven biển có nhiều đặc điểm riêng, khác biệt so với đi trong luồng thủy hẹp (sông). Khi tàu đi ven biển, ven đảo, ảnh hưởng chủ yếu đến tính điều khiển tàu là các yếu tố sóng và gió. Để bảo đảm an toàn hàng hải khi điều khiển tàu đi ở khu vực này, cần phải chú ý những điểm chính sau:

-Tiến hành hàng hải suy tính liên tục và chính xác. Đặc biệt chú ý ảnh hưởng của thủy triều, thường xuyên tích lũy tư liệu để giúp cho việc suy tính được chính xác. Với ảnh hưởng của gió và nước không lớn lắm thì sai số của vị trí tàu suy tính bằng khoảng 2% quảng đường suy tính. Tuy nhiên, với ảnh hưởng lớn của gió và nước thì sai số suy tính tăng lên một cách đáng kể.

-Cố gắng làm thật tốt việc xác định vị trí tàu, nếu điều kiện cho phép cần tiến hành xác định vị trí liên tục trong những quãng thời gian nhất định. Mục đích của việc xác định vị trí liên tục là để thường xuyên kiểm tra tàu có đi lệch khỏi đường đi dự kiến không và lệch do nguyên nhân gì. Căn cứ vào đường đi thực tế của tàu (nối các điểm vị trí tàu liên tục) để kiểm tra xem tàu có đi vào chướng ngại vật hay không. Căn cứ vào vị trí chính xác của tàu để tính tốc độ thực tế và dự kiến thời gian tàu đi tới những vị trí quan trọng tiếp theo. Thường thì khi chạy ven biển, cứ 30 phút hành trình xác định vị trí 1 lần. Khi tàu chạy vào khu vực đảo phức tạp, tùy yêu cầu cần phải xác định vị trí nhiều lần và nhanh chóng hơn, riêng thuyền trưởng phải xác định tàu ít nhất 4 giờ/1 lần.

Khi tàu hành trình, phải cử người trực canh quan sát 24/24 giờ, bảo đảm mặt quạt 360 độ, đặc biệt là mặt quạt phía trước mũi tàu. Trong điều kiện hàng hải phức tạp, nên sử dụng các phương tiện quan sát trên tàu gồm: mắt thường, tai nghe và các phương tiện kỹ thuật, qua đó có thể sớm xác định các chướng ngại vật nguy hiểm.

Thuyền trưởng tổ chức tính toán, đánh giá tình hình, quyết định đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Cần chú ý và không được coi nhẹ việc chuyển hướng đi của tàu. Trước khi chuyển hướng tận dụng mọi điều kiện xác định vị trí tàu để từ đó tính ra thời điểm chính xác cần đổi hướng. Nên chuẩn bị trước một mục tiêu đổi hướng rõ ràng, dễ nhận dạng, tính toán trước hướng đi la bàn sau khi chuyển hướng.

Khi chuyển hướng tốt nhất lên dùng góc lái nhỏ để đổi từ từ, nên chú ý quan sát, cảnh giới để tránh va vì ở những điểm chuyển hướng quan trọng trên biển thường là những nơi hội tụ nhiều tàu và các tàu cũng đang chuyển hướng, rất khó phán đoán. Sau khi chuyển hướng xong, cần đánh dấu trên hải đồ, đồng thời ghi chép vào nhật ký hàng hải thời gian chuyển hướng, hướng đi thật, hướng đi la bàn của hướng mới…Sau đó nếu điều kiện cho phép thì tiến hành xác định ngay vị trí tàu, kiếm tra xem sau khi chuyển hướng tàu có nằm trên hướng đi dự kiến không.

Phải thông thạo các báo hiệu hàng hải. Khi đi qua các hàng tiêu, cần đối chiều hình dáng, màu sắc ánh sáng, ký hiệu… Chỉ khi nào nhận dạng một cách chính xác thì mới dùng chúng vào việc xác định vị trí tàu.
Không nên nhận định một cách chủ quan, nhất là khi chưa nhìn thấy ánh sáng của đèn hải đăng thì cũng chưa hẳn tàu còn cách xa hải đăng, mà có thể do bị mây che hoặc một nguyên nhân nào đó mà ánh sáng của nó chưa nhìn thấy được vào giờ dự kiến. Không nên tin tưởng thái quá vào vị trí đèn của phao tiêu, nó có thể bị dịch chuyển vị trí hoặc trục trặc kỹ thuật.

Cần tận dụng mọi điều kiện cho phép để xác định sai số các loại máy móc thiết bị hàng hải, đặc biệt là hướng đi của la bàn và tốc độ kế của máy tính đường…để sử dụng chúng vào những lúc cần thiết. Thường xuyên thu tin các thông báo hàng hải, kịp thời hiệu chỉnh vào hải đồ. Nên sử dụng các hải đồ có tỷ lệ 1:100 000-1:200 000 và năm sản xuất gần nhất, vì trên hải đồ tỷ lệ lớn các tư liệu hàng hải và các hiệu chỉnh đều thể hiện khá đầy đủ và chi tiết. Sau khi chuyển hải đồ cần xác định vị trí để đối chiều. Thu thường xuyên các bản tin dự báo khí tượng, nếu phát hiện thời tiết xấu trên tuyến hành trình thì thực hiện quy tắc an toàn tránh va, nếu cần thiết phải đổi hướng, tháy đổi kế hoạch dự kiến một cách quyết đoán để phòng tránh, bảo đảm an toàn.

Khi hành trình ven biển thuyền trưởng chỉ phép rời khỏi đài chỉ huy ở những đoạn đường mà tình hình hàng hải và những vấn đề liên quan khác không ảnh hưởng đến sự nguy hiểm và phức tạp của tuyến hành trình, nhưng trước đó phải giao quyền điều khiển cho sĩ quan trực ca có khả năng tin cậy, độc lập điều khiển tàu trong từng thời điểm để báo cáo cấp trên và tính toán thời gian tới địa điểm đã định.
Điều khiển tàu đi trong luồng thủy hẹp.

Khi tàu hành trình trong luồng thủy hẹp (trong sông), có một số điểm hạn chế: địa hình phức tạp, luồng lạch chật hẹp, khúc khuỷu, quanh co; có nhiều chướng ngại hàng hải nguy hiểm (bãi đá ngầm, bãi cạn…); dòng chảy phức tạp; độ sâu hạn chế không theo quy luật; mật độ tàu thuyền qua lại và neo đậu nhiều…Tất cả những vấn đề trên đều gây khó khăn rất lớn cho việc bảo đảm an toàn hàng hải khi tàu hành trình. Để đảm bảo an toàn hàng hải khi điều khiển tàu đi trong luồng thủy hẹp cần phải chú ý những điểm chính sau:

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước khi vào khu vực này. Trước hết phải nghiên cứu kỹ hải đồ, hướng dẫn hàng hải chỉ nam, các tư liệu về khí tượng-thủy văn, kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến tuyến luồng hàng hải mà tàu phải đi qua. Nên chọn hải đồ có tỷ lệ lớn 1:10 000-1:25 000 và năm sản xuất gần nhất. Chọn các mục tiêu thiên nhiên và các tiêu đánh dấu thích hợp, nghiên cứu các phương pháp để nhận biết chúng như: hình dáng, màu sắc, độ cao, vị trí tương đối… ghi những đặc điểm đó lên hải đồ bằng bút chì. Có thể vẽ sẵn các đường giới hạn an toàn, đo trước các chập tiêu, khoảng cách đến các mục tiêu quan trọng để hỗ trợ cho việc xác định vị trí tàu nhanh chóng khi tàu hành trình trong luồng thủy hẹp.

Trước khi tàu đi vào luồng phải lưu ý đến tình hình thời tiết khí tượng-thủy văn như: giông, gió mạnh, mưa, sương mù,.. Chú ý thu các bản tin thời tiết của địa phương, kịp thời đề phòng những đột biến của thời tiết có thể tìm nơi neo tàu hay tìm cách xử lý có hiệu quả. Tiến hành kiểm tra máy lái; đồng bộ lại các mặt lập của la bàn con quay; kiểm tra hệ thống chuông còi, cờ hiệu, đèn hiệu để xử dụng khi cần; kiểm tra sự làm việc của máy đo sâu, rada hàng hải và sôna. Cử tổ trực canh quan sát; tổ trực neo; chuẩn bị phương án chống chìm, chống cháy…

Khi tàu đã đi vào luồng thủy hẹp, khu vực có đá ngầm hoặc chướng ngại hàng hải khác, thuyền trưởng phải áp dụng các biện pháp cần thiết bao gồm: liên tục tác nghiệp đường đi; xác định vị trí tàu bằng mọi biện pháp với thời gian nhanh chóng và chính xác cao. Nghiêm cấm sử dụng máy định vị vệ tinh (GPS) để xác định vị tàu. Đưa tàu vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Liên tục tiến hành đo sâu. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật để phát hiện các chướng ngại hàng hải nguy hiểm, Mở rada liên tục ở chế độ hàng hải so sánh vị trí. Sử dụng tốc độ an toàn, cấm cắt các nguồn điện, chuẩn bị sẵn sàng thả neo được ngay; cấm giao nhận ca. Kịp thời tác nghiệp xác định mọi vị trí chính xác lên hải đồ và đăng ký tình hình vào nhật ký hàng hải; cứ 3-5 phút kiểm tra đăng ký tốc độ 1 lần và mỗi khi đi theo tiêu chập phải kiểm tra hướng đi chính xác để so sánh với hướng đi trên hải đồ, qua các điểm chính ngang thì kiểm tra tốc độ tàu thực. Thuyền trưởng phải thường xuyên có mặt tài đài chỉ huy; khi đến chỗ chuyển hướng bị che khuất phải phát tín hiệu tránh va theo quy định.

Trong trường hợp nước chảy quá mạnh, căn cứ vào tốc độ của tàu, phải xem xét khả năng tàu bị dòng chảy tác động làm hạn chế hoặc (mất khả năng cơ động của tàu) dẫn tới hậu quả tàu bị xô vào bãi cạn, bãi ngầm. Ở những nơi chuyển hướng hẹp, cần lưu ý đến ảnh hưởng của các yếu tố bán kính quay trở của tàu ảnh hưởng của dạt gió và nước.

Cần tăng cường trực canh quan sát, cảnh giới, lắng nghe, chú ý các tàu đi ngược chiều ở những đoạn khúc khuỷu, quanh co. Quan sát mặt nước, chú ý màu sắc và các gợn sóng trên mặt nước để phát hiện kịp thời những chỗ cạn, những bãi ngầm. Cần chọn thủy thủ lành nghề, có kinh nghiệm và thành thạo kĩ thuật sử dụng máy lái khi đi qua luồng. Phải tính toán chọn thời điểm, độ cao thủy triều phù hợp để tàu vượt qua bãi cạn hoặc chui qua ngầm cầu nếu xét thấy cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn cho tàu.

Không được neo đậu trên các luồng đi hẹp và ở trong luồng, trừ những trường hợp sau đây: khi tầm nhìn xấu; khi giông, gió mạnh; khi hỏng hóc kỹ thuật; khi có tàu khác neo đậu chắn trước luồng. Khi bắt buộc neo đậu thì phải tạo mọi khả năng neo cách xa trục luồng về phía mạn phải của tàu và không làm che khuất các thiết bị hàng hải chỉ luồng.

Ngoài ra, thuyền trưởng và cán bộ, nhân viên ngành hàng hải phải tuân thủ nghiêm ngặt “Quy tắc bảo đảm an toàn hàng hải áp dụng trong lực lượng tàu Hải quân nhân dân Việt Nam” do Bộ Tư lệnh Hải quân xuất bản năm 2004, đồng thời phải thường xuyên tự học tập nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao trình độ năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi chuyến đi biển do cấp trên giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng tiến lên chính quy, hiện đại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nghề Cá Thế Giới Nghề cá trong nước Văn Bản - Chính Sách
“Chế Độ Chăm Sóc Sức Khỏe và Dinh Dưỡng Cho Thuyền Viên Trên Tàu Biển”
Áp dụng mô hình tuần hoàn nước – Giải pháp bền vững cho nuôi tôm trong điều kiện nguồn nước ô nhiễm
Bảo Vệ Môi Trường Khoa Học - Công Nghệ
QUY ĐỊNH XỬ LÝ CHẤT THẢI THỰC PHẨM Ở CÁC BỜ BIỂN CỦA TRUNG QUỐC
No Preview
CÔNG NGHỆ INTERNET VẠN VẬT GIÚP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN HIỆU QUẢ HƠN
An Giang tăng cường xử lý việc thả nuôi tôm thẻ
Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ vì sao giảm tới 81% so với cùng kỳ?
Biorex Việt Nam Thương hiệu nổi tiếng quốc giâ
BIOREX VIỆT NAM – THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG QUỐC GIA
Nghệ An: Triển khai gói cho vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản