Tác nghiệp hàng hóa trên tàu container là một hoạt động phong phú, đòi hỏi các sĩ quan boong phải đồng thời xử lý và duy trì kiểm tra giám sát chặt chẽ nhiều công việc khác nhau. Điều này tạo ra rất nhiều áp lực lên sĩ quan trực ca, đặc biệt là trong thời gian sắp kết thúc làm hàng, vì trong thời gian đó không phải dễ dàng để theo kịp tốc độ diễn biến công việc.
Trong một số trường hợp, các sĩ quan có thể lãng quên vài điều quan trọng mà đáng lẽ cần phải được kiểm tra, điều đo có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Thời gian kết thúc làm hàng là một thách thức cho sĩ quan trực đòi hỏi sự tập trung chú ý để xử lý tình huống một cách hiệu quả, tránh thiếu sót đáng tiếc.
Để hoàn thành công việc này dễ dàng, chúng tôi tóm tắt mười yếu tố quan trọng phải kiểm tra sau khi kết thúc làm hàng trên tàu container.
1. Mớn nước của tàu
Mớn nước là vấn đề quan trọng nhất phải được kiểm tra và xác nhận lại lần cuối sau khi kết thúc làm hàng. Sĩ quan trực ca cần kiểm tra mớn nước bằng trực quan thích hợp. Mớn nước đọc được sau khi kiểm tra phải so sánh với mớn nước dự kiến khi khời hành theo kế hoạch và tất nhiên, phải gần như trùng khớp. Nếu mớn nước thực tế lệch quá nhiều so với mớn nước khởi hành dự kiến, thì phải lập tức lưu ý với đại phó.
Trừ khi có yêu cầu khác, tàu phải ở trang thái cân bằng dọc ( even keel).
2. Chằng buộc hàng hóa (Hình3., 4., 5.)
Cần phải kiểm tra kỹ lưỡng chằng buộc, bao gồm:
1) Kiểm tra các đơn nguyên thanh giằng và tăng đơ chằng buộc (lashing bar – turnbuckle unit)
2) Kiểm tra các khóa xoắn (twist locks)
3) Kiểm tra các chốt/nêm (pins/ cleats) nắp hàm hàng, chúng phải ở vị trí đóng.
4) Kiểm tra chằng buộc hàng quá cỡ (Out of Gauge cargo – OOG) , nếu có.
Bất kỳ đơn nguyên chằng buộc hoặc khóa xoắn nào thiếu phải thông báo ngay cho quản đốc chằng buộc và cần được bổ sung trước khi chấm dứt làm hàng.
Kiểm tra chằng buộc ngay sau khi các tác nghiệp làm hàng trên mỗi dãy (bay) vừa hoàn thành là một việc làm rất thực tế. Bằng cách đó có thể giúp tránh công việc dồn dập không cần thiết để thực hiện toàn bộ công việc kiểm tra chằng buộc vào thời gian kết thúc toàn bộ công việc làm hàng.
3. Giữ gìn trật tự ngăn nắp trên boong
Trong khi công nhân bốc dỡ sử dụng các dụng cụ chằng buộc, nhiều khi ta tìm thấy các khóa xoắn bị lỗi, các thanh giằng chằng buộc bỏ lại trên boong, trên các vị trí, sàn đứng để chằng buộc. Khi kết thúc làm hàng, đòi hỏi các dụng cụ này phải được dọn dẹp ngăn nắp trật tự. Sĩ quan boong trực ca có thể yêu cầu thuyền viên boong hỗ trợ để đảm bảo không để sót các vật liệu và dụng cụ chằng buộc vứt bừa bãi trên boong, phải thu dọn và phải giữ gìn chúng.
4. Theo đúng kế hoạch chất xếp hàng hóa
Đây là trách nhiệm của sĩ quan trực ca để đảm bảo rằng việc bốc / dỡ container được thực hiện một cách nghiêm khắc theo đúng kế hoạch bốc / dỡ đã báo trước. Cần đặc biệt chú ý các container hàng nguy hiểm IMDG và container lạnh. Bất kỳ việc bốc / dỡ các container không tuân thủ theo đúng kế hoạch làm hàng cần được ghi chép lại và báo cho đại phó và người lập kế hoạch. Các container chất tái xếp cũng cần được kiểm tra chéo với các kế hoạch tài chất xếp đã được báo trước.
5. Các container hàng nguy hiển IMDG và Container lạnh (xem H2.)
Container IMDG cần được kiểm tra và lập chứng từ cẩn thận.
1./ Đảm bảo rằng các nhãn mác phân loại IMO và HAZMAT có đầy đủ trên các mặt nhìn thấy của container.
2./ Đảm bảo các container được đặt theo đúng kế hoạch.
3./ Sơ đồ điểm vị trí IMDG , bản lược khai hàng hóa và tài liệu chứng từ khác cần được hoàn thành trước khi khởi hành.
4./ Sơ đồ chống cháy cần được cập nhật cùng với các sơ đồ vị trí container IMDG khi tàu còn trong cảng..
Container lạnh chứa hàng rất nhạy cảm, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt.
1) Tất cả các container lạnh bốc lên tầu phải được kiểm tra. Cần phải thực hiện kiểm tra chéo thích hợp có đối chiếu với bản lược khai hàng hóa lạnh.
2) Cần kiểm tra một cách cẩn thận các điểm đặt các container lạnh, đầu kết nối điện, thiết bị đầu cuối, kết nối đường ống nước.
3) Các container lạnh đã bốc lên tàu nên được kết nối nguồn điện càng sớm càng tốt.
4) Thợ điện trên tàu là người chịu trách nhiệm bảo dưỡng các container lạnh; vì vậy sĩ quan trực ca phải sử dụng các hướng dẫn của thợ điện khi xử lý các container lạnh.
5) Bất kỳ sự cố nào của container lạnh cần ngay lập tức thông báo cho người làm kế hoạch hàng hóa và phải được xử lý bởi nhận viên kỹ thuật bờ. Phải từ chối bốc container lạnh bị lỗi lên tàu.
6. Danh mục kiểm tra và Nhật ký hàng hải (Log Books)
Nhật ký hàng hải của tàu phải được cập nhật thường xuyên tình trạng mới nhất của quá trình làm hàng. Trong thời gian hoàn thành làm hàng phải ghi chép:
a) thời gian kết thúc làm hàng
b) thời gian kết thuc chằng buộc
c) thời gian công nhân bốc dỡ rời tàu.
Ngoài ra, phải ghi vào nhật ký mớn nước cuối cùng được đọc cùng với các dữ liệu quan trọng khác.
Cuối cùng, phải thực hiện việc kiểm tra theo các danh mục kiểm tra (checklist) khác nhau và hoàn thành sau khi kết thúc làm hàng. Danh mục kiểm tra này bao gồm các yếu tố cực kỳ quan trọng cần phải được đảm bảo thực hiện, sau khi kiểm tra cần ghi chép lại. Phải khẳng định lại một lần nữa, việc này thuộc trách nhiệm của sĩ quan trực ca.
7. Tầm nhìn từ buồng lái
Tầm nhìn từ vị trí chỉ huy trên buồng lái phải phù hợp với các quy định của IMO. Chương V – Quy định 22 của SOLAS đưa ra các định nghĩa rõ ràng về các yêu cầu tầm nhìn từ buồng lái của tàu. Mặc dù, các tiêu chuẩn tầm nhìn đã được xem xét trong khi lập kế hoạch chất xếp hàng hóa, nhưng sĩ quan trực ca còn có trách nhiệm đảm bảo kiểm tra việc đó một lần nữa sau khi kết thúc làm hàng. Phần mềm sắp xếp và bốc hàng hiện đại sẵn có các tính năng kiểm soát tiêu chuẩn tầm nhìn theo IMO, người sử dụng sẽ được thông báo nếu nó không đảm bảo các tiêu chuẩn đó.
8. Tuần tra an ninh theo ISPS
Tàu cần phải được tiến hành một cuộc kiểm tra người vượt biên, các kiện hàng nghi ngờ, hàng lậu theo Bộ luật ISPS, ngay sau khi kết thúc làm hàng và công nhân bốc dỡ rời tàu. Mặc dù tàu đã tuân thủ các biện pháp an ninh theo Bộ luật ISPS trong thời gian lưu lại ở cảng, nhưng tiến hành kiểm tra trước khi tàu xuất phát là một việc rất cần thiết và quan trọng.
Mức độ kiểm tra phụ thuộc vào cấp độ an ninh của tàu và của cảng. Sĩ quan trực ca phải có kiến thức đầy đủ về các Cấp độ an ninh theo ISPS và các biện pháp an ninh tương ứng với mỗi cấp độ đó.
9. Thông báo cho hoa tiêu, đại lý và cảng vụ
Khi các tác nghiêp hàng hóa kết thúc và tàu chuẩn bị khởi hành, thì hoa tiêu và đại lý của công ty sẽ lên tàu. Tốt nhất sĩ quan trực ca phải dự kiến thời gian kết thúc làm hàng và liên hệ với hoa tiêu, đại lý có mặt trước khi kết thúc làm hàng, tránh chậm trễ không cần thiết.
Khi liên hệ với hoa tiêu, cần xem xét kỹ thời gian dự kiến hoa tiêu có mặt trên tàu đồng thời tàu và thuyền viên cũng phải sẵn sàng xuất phát vào thời điểm đó.
Đại lý của công ty cũng cần phải lên tàu sau khi kết thúc làm hàng để xử lý các tài liệu chứng từ cần thiết với Thuyền trưởng hoặc Đại phó, hoàn tất các công việc phát sinh khi tàu ở cảng.
Nếu tàu cần thiết thiết lập thông tin liên lạc với cảng vụ trước khi xuất phát thì nên thực hiện sớm ngay sau khi kết thúc làm hàng.
10. Hộp phụ tùng chằng buộc
Hộp phụ tùng chằng buộc (Gearbox) chứa các dụng cụ chằng buộc như khóa xoắn, khóa trung gian và stackers . Thông thường hộp phụ tùng để ở dưới cầu cảng để sử dụng, cần được trả về tàu sau khi hoàn tất bốc dở các container. Vị trí xếp đặt hộp phụ tùng phải được thông báo đến quản đốc làn hàng trước thời điểm hoàn thành làm hàng.
Khi chọn vị trí để hộp phụ tùng, nên nhớ rằng vị trí thích hợp nhất sẽ là ở giữa các pontoon hầm hàng. Nếu có thể, tất cả các hộp phụ tùng nên được xếp trên cùng một dãi (bay). Sau khi xếp, sĩ quan trực ca phải kiểm tra trực quan, xác nhận và ghi lại vị trí của các hộp phụ tùng.
Như đã nói từ đầu rằng lúc kết thúc làm hàng là thời gian rất quan trọng, ghi nhớ những hướng dẫn nói trên sẽ giúp cho toàn bộ công việc của sĩ quan trực ca boong diễn ra trôi chảy và thuận lợi. Hãy bố sung những gì mà bạn thấy cần làm ngoài những gợi ý trong bài này